Thận là một trong những tạng quan trọng nhất của cơ thể người. Thận đóng vai trò lọc máu, đào thải các độc tố của cơ thể dưới dạng nước tiểu. Ngoài ra, thận còn là một mắt xích rất quan trọng trong hệ nội tiết, giúp duy trì điện giải, điều chỉnh huyết áp, cũng như kích thích tạo máu. Vì vậy câu hỏi “Thực phẩm gì tốt cho thận?” là một câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Trong bài viết này, hãy cũng tìm hiểu 16 loại thực phẩm tốt cho thận mà bạn nên biết nhé!
Thận đóng vai trò gì trong cơ thể?
Thận là một tạng có hình hạt đậu, nằm sau phúc mạc. Bờ trên thận tương ứng với vị trí bờ sau xương sườn 11, bờ dưới cách bờ trên xương cánh chậu khoảng 3-5cm.
Mỗi trong chúng ta đều có hai thận, có chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu cùng nhiều chức năng nội tiết khác. Các chức năng của thận bao gồm:
- Chức năng bài tiết nước tiểu: Thận mỗi ngày lọc hơn 200 lít máu, tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu. Lượng nước tiểu này sau khi lọc sẽ được đưa xuống niệu quản, bàng quang, niệu đạo và được bài xuất ra ngoài qua lỗ niệu đạo ngoài. Nước tiểu là sản phẩm của quá trình đào thải Kali, Ure, Acid uric và một số thành phần khác không cần thiết với cơ thể.
- Chức năng điều hoà huyết áp: Thận có thể nhận biết những thay đổi nhỏ nhất về huyết áp của cơ thể. Từ đó, các mạch máu thận co lại hoặc giãn ra, làm thay đổi lượng nước tiểu được lọc, từ đó điều chỉnh huyết áp.
- Chức năng nội tiết: Thận đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ nội tiết. Renin được tiết ra từ tế bào hạt tiết của thận tham gia vào hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone, giúp điều chỉnh huyết áp và lượng điện giả. Ngoài ra thận còn tiết ra calcitriol giúp cho sự hấp thu calci ở ruột và tái hấp thu phosphate ở thận, erythropoietin giúp kích thích tạo hồng cầu ở tuỷ xương.
- Chức năng khác: Thận còn có vai trò cân bằng nội môi, điều hoà môi trường thẩm thấu trong huyết tương…
Bệnh lý của thận là gì?
Có gì nhiều bệnh lý liên quan đến thận. Một số bệnh lý thận phổ biến trong cộng đồng có thể kể đến như: viêm cầu thận cấp và mạn tính, sỏi thận, suy thận cấp và mạn tính, nhiễm khuẩn đường tiểu, các bệnh lý thận bẩm sinh (bệnh thân IgA, thận đa nang…). Các bệnh lý này có thể có nguyên nhân, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, không thể tìm được nguyên nhân của bệnh, gọi là bệnh nguyên phát. Các bệnh lý thận có nhiều sự khác biệt về cơ chế, nhưng nhìn chung đều gây ra tình trạng suy giảm chức năng thận, lâu dần dẫn đến suy thận. Nếu suy thận diễn tiến tới giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo suốt đời, tuổi thọ cũng giảm đi đáng kể.
Do tính chất khó đoán và nghiêm trọng của các bệnh lý thận, nên việc phòng ngừa sớm các bệnh lý thận là rất cần thiết, đặc biệt là trong chế độ ăn.
Yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý thận
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thận, trong nhiều trường hợp, không thể tìm được nguyên nhân của bệnh thận, ta gọi đó là bệnh nguyên phát. Trong trường hợp này, ta không thể thật sự tìm ra nguyên nhân cụ thể của bệnh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm khả năng mắc bệnh thận. Một số yếu tố thường gặp bao gồm:
Yếu tố bẩm sinh, gia đình
Người có người thân trong gia đình mắc các bệnh lý về thận bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh lý này cao gấp nhiều lần. Các bệnh lý do nguyên nhân này thường biểu hiện sớm từ nhỏ, thường nặng nề và khó có thể phòng tránh được. Đối với nhóm nguyên nhân này, xây dựng một chế độ ăn khoa học là điều gần như bắt buộc để cải thiện dự hậu.
Thừa cân, béo phì
Những người có chế độ ăn thừa đạm và chất béo, thiếu chất xơ có thể dẫn đến thừa cân béo phì. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều bia rượu cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này. Thừa cân béo phì là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng tăng mỡ máu. Một lượng mỡ lớn lưu hành trong máu có thể làm ảnh hưởng tốc độ lưu thông của dòng máu, đái tháo đường, cũng như tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, bao gồm cả động mạch thận. Các tình trạng này có thể gây ra hẹp động mạch thận, suy thận. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp là điều rất cần thiết để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về thận.
>> Xem thêm: Bảng tính calo của từng loại thực phẩm hàng ngày của viện dinh dưỡng
Các bệnh lý nền
Bên cạnh các nguyên nhân do bẩm sinh và dinh dưỡng, các bệnh lý nền cũng là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng đến chức năng thận. Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân thường gặp nhất của các bệnh lý thận. Do đó, kiểm soát huyết áp và đường máu cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng ngừa các bệnh lý thận. Ngoài ra, các bệnh lý xơ gan, lupus ban đỏ hay một số bệnh lý hệ thống khác cũng có thể gây biến chứng lên thận. Do đó, đối với các bệnh nhân đã biết trước các bệnh lý trên, điều chỉnh chế độ ăn là điều trị cơ bản và dễ thực hiện nhất nhưng lại cho thấy hiệu quả rất rõ ràng.
Các loại thực phẩm tốt cho thận
Bắp cải
Bắp cải là một loại rau củ rất có giá trị trong ngăn ngừa ung thư và hỗ trợ hệ tim mạch bằng cách phá vỡ các gốc tự do trong cơ thể.
Bắp cải chứa nhiều vitamin B6, C và K, acid folic, chất xơ, đồng thời lượng kali cũng không lớn. Do đó, thực phẩm này rất an toàn cho những bệnh nhân đã có bệnh thận, bù đắp lượng vitamin thiếu hụt trong cơ thể của các bệnh nhân suy thận.
Súp lơ
Súp lơ cũng được coi là một loại thực phẩm được coi là thân thiện với thận. Với thành phần chứa nhiều vitamin C và K, acid folic và chất xơ. Ngoài ra, súp lơ có nhiều hợp chất giúp trung hoà độc tố trong cơ thể, giúp hạn chế các bệnh lý về gan. Thực phẩm này có thể chế biến theo nhiều cách, nấu chín hoặc ăn sống đều rất ngon và tốt cho sức khoẻ.
Hành tây
Hành tây là một loại thực phẩm đóng vai trò như gia vị rất phổ biến trong cộng đồng. Nó chứa nhiều chất flavonoid, trong đó có quercetin. Những chất này ngăn chặn sự lắng đọng lipid trong các mạch máu, qua đó bảo vệ hệ tim mạch, chống oxy hoá ngăn ngừa ung thư cũng như hạn chế quá trình viêm. Ngoài ra, trong hành tây còn chưa crom, đây là một vi chất xúc tác cho quá trình chuyển hoá protein, carbohydrate và chất béo. Hành tây có nhiều cách chế biến và có thể đưa vào nhiều món ăn hàng ngày.
Các loại bí
Bí là một loại phổ biến và dễ tìm, trồng được ở gần như mọi miền đất nước. Các loại bí đều chứa rất vitamin, cũng như các hợp chất giúp thải độc cơ thể. Do đó, hoạt động thận cũng được giảm bớt gánh nặng.
Tỏi
Tỏi là một loại gia vị không thể thiếu trong mọi gia đình Việt Nam. Tỏi hỗ trợ rất tốt cho quá trình chống đông máu và chống oxy hoá, qua đó cũng tác động tốt tới việc làm chậm diễn tiến của các bệnh lý thận. Tỏi có thể dùng làm gia vị cho hầu hết các món ăn trong gia đình, giúp tăng hương vị cho các bữa ăn thêm ngon miệng.
Ớt chuông đỏ
Ớt chuông đỏ là một loại thực phẩm được nhiều người yêu thích vì độ ngon miệng và tính bổ dưỡng. Điểm đặc biệt của loại thực phẩm này là chứa nhiều vitamin, nhiều chất xơ và acid folic nhưng lại đảm bảo lượng kali thấp. Ngoài ra, trong ớt chuông đỏ còn chứa các chất chống oxy hoá, giúp ngăn ngừa ung thư. Thực phẩm này có thể ăn sống cũng như nấu chín.
Táo
“An apple a day keep the doctor away” – Đây là một câu tục ngữ tiếng anh nói về lợi ích của táo. Sở dĩ người ta quan niệm như vậy bởi vì trong táo có chứa nhiều chất chống oxy hoá, ngăn ngừa quá trình tăng cholesterol trong máu, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và ung thư.
Ngoài cách ăn trực tiếp như thông thường, ngày nay, người ta còn chế biến táo bằng cách nấu chín, ép lấy nước hoặc sản xuất rượu từ táo.
Việt quất
Trong việt quất có chứa một chất có tên là anthocyanidins, chất này tác dụng rất hiệu quả lên quá trình chống oxy hoá. Ngoài ra, việt quất còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Việt quất có thể ăn trực tiếp hoặc làm sinh tố đều rất tốt cho sức khoẻ.
Quả nam việt quất
Theo một số nghiên cứu gần đây, nam việt quất có hoạt tính chống oxy hoá, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý mạn tính. Đồng thời, loại trái cây này cũng cho thấy hiệu quả trong việc làm tăng tính acid của nước tiểu, ngăn ngừa khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Dâu tây
Dâu tây là một loại trái cây được nhiều người yêu thích vì sự ngon miệng và thanh nhiệt tốt. Nhưng ít ai trong chúng ta biết được rằng dâu tây cũng chứa rất nhiều vitamin, mangan và chất xơ. Do đó, dâu tây cũng rất hiệu quả trong việc bảo vệ hệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư, cũng như hạn chế các bệnh lý thận.
Mâm xôi
Trong quả mâm xôi có chứa một hợp chất có tên là acid ellagic. Hợp chất này giúp trung hoà các gốc tự do trong máu, ngăn ngừa nhiều bệnh lý. Ngoài ra mâm xôi còn chứa rất nhiều vitamin và yếu tố vi lượng tốt cho sức khoẻ, ngăn chặn sự hình thành khối u và bảo vệ chức năng thận.
Nho
Trong thành phần của nho chứ nhiều flavonoid. Chất này có tác dụng hiệu quả trong chống oxy hoá và chống đông. Đặc biệt, hợp chất resveratrol có trong nho thúc đẩy quá trình sản xuất nitric oxide trong cơ thể, giúp giãn mạch và tăng lưu thông máu, qua đó làm chậm tiến triển của nhiều bệnh lý thận.
Quả anh đào
Trong thành phần quả anh đào chứa rất nhiều chất phytochemical. Đây là một chất góp phần bảo vệ hệ tim mạch, chống viêm cũng như làm chậm quá trình suy thận. Anh đào có thể ăn trực tiếp hoặc làm bánh đều là những món tráng miệng ngon mà không nên bỏ lỡ.
Lòng trắng trứng
Trong lòng trắng trứng chứa nhiều albumin, là một loại protein quan trọng. Ngoài ra, thực phẩm này chứa ít phospho hơn so với các loại thực phẩm nhiều protein khác. Do đó được khuyến cáo dùng cho các bệnh nhân có bệnh thận. Tuy nhiên, chỉ nên dùng trong một giới hạn nhất định.
Cá biển
Các loại cá, đặc biệt là cá biển, chứa rất nhiều protein và omega 3. Đây đều là các chất quan trọng đối với cơ thể trong việc gia tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, trong đó có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Dầu ô liu
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các quốc gia sử dụng nhiều dầu ô liu có tỷ lệ mắc các bệnh lý thận, tim mạch và ung thư thấp hơn các quốc gia khác. Điều này có thể giải thích được là nhờ trong dầu ô liu có chứa nhiều acid oleic – một loại acid béo giúp chống oxy hoá và polyphenol giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn, bao gồm cả nhiễm khuẩn vùng thận tiết niệu.
Người bị bệnh thận không nên ăn những loại thực phẩm nào?
Ngoài việc tìm hiểu những loại thực phẩm tốt cho thận, chúng ta cũng nên biết những loại thực phẩm nào gây hại cho thận. Đặc biệt đối với những người đã có bệnh thận hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh thận, điều này lại càng cần thiết hơn nữa. Sau đây hãy cùng tìm hiểu xem những thực phẩm đó là gì nhé!
Thực phẩm giàu kali như chuối, dưa hấu
Chuối và dưa hấu là những loại thực phẩm rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Nhưng không mấy ai biết rằng, chúng rất có hại cho thận. Trong chuối và dưa hấu có chứa rất nhiều kali. Trong các bệnh thận, đặc biệt là suy thận, bệnh nhân có sự ứ đọng một lượng lớn kali trong cơ thể mà không thể đào thải được. Sự tồn tại của quá nhiều kali có thể gây ra một tình trạng rối loạn về vận cơ, ảnh hướng đến nhịp tim. Trong một số trường hợp một bệnh nhân suy thận lắng đọng quá nhiều kali (có thể thể do ăn quá nhiều chuối và dưa hấu), bệnh nhân có thể nhanh chóng rơi rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.
Thực phẩm chứa nhiều muối
Các loại món ăn kho mặn, muối chua… chứa một hàm lượng lớn muối. Sự tồn tại của quá nhiều muối trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nồng độ thấm thấu huyết tương. Thông thường, hiện tượng này có thể được thận giải quyết dễ dàng bằng cách đào thải. Tuy nhiên, khi thận suy, lượng muối này sẽ bị ứ đọng trong cơ thể, gây ra hoàng loạt hệ quả xấu.
Chế độ ăn chứa quá nhiều protein
Mặc dù protein là một thành phần không thể thiếu trong thành phần bữa ăn, kể cả với bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều protein có thể khiến việc chất này liên tục bị đào thải qua các ống thận, làm trầm trọng thêm quá trình suy thận. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ protein nạp vào đối với tất cả bệnh nhân suy thận.
Trên đây là bài viết “16 loại thực phẩm tốt cho thận mà bạn nên biết“. Hy vọng với những kiến thức này, bạn sẽ có nhìn nhận đầy đủ hơn về các loại thực phẩm tốt cho thận và tránh các loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ thận.