Ọc sữa là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, sau khi trẻ bị ọc sữa, ba mẹ sợ bé thiếu dinh dưỡng nên hay cho bé bú lại ngay. Tuy nhiên, điều này có thể khiến trẻ bị ọc sữa liên tục. Vậy trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không và sau bao lâu thì có thể cho trẻ bú lại được? Cùng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân khiến trẻ bị ọc sữa?
Ọc sữa hay còn được biết đến là trào ngược dạ dày thực quản, điều này xảy ra khi sữa bị trào ngược lên thực quản. Ọc sữa không giống như nôn mửa, trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ thường không ý thức được khi bị ọc sữa, do đó ba mẹ cần phải để ý và tìm cách xử trí phù hợp.
Thông thường, trẻ sơ sinh bị ọc sữa vì hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện. Tình trạng này xảy ra khi bé được cho bú quá nhiều hoặc nuốt phải không khí khi bú sữa. Ọc sữa sẽ xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh cho đến khi có thể ăn được thức ăn đặc (khoảng từ 6 tháng đến 1 tuổi).
Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại?
Việc trẻ sơ sinh bị ọc sữa là vấn đề hết sức bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Miễn là bé thoải mái, bú sữa bình thường và tăng cân đều đặn thì các bậc phụ huynh không cần phải lo lắng. Khi bé đang tăng cân thì chắc chắn rằng bé sẽ không bị tổn hại bởi lượng calo bị mất đi khi ọc ra ngoài.
Vậy trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại hay không?
Đây chắc hẳn là thắc mắc của phần lớn các bậc cha mẹ khi thấy bé yêu của mình bị ọc sữa. Theo các chuyên gia, đáp án cho câu hỏi này là Có. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé bú liền ngay lúc ọc, cần đợi một thời gian cho bé ngưng ọc sữa rồi bú lại. Nguyên nhân là do sau khi ọc sữa, hệ tiêu hoá của bé rất yếu, không thể dung nạp được thức ăn. Không những thế, thức ăn còn có thể kích thích trẻ nôn trớ hoặc ọc sữa trở lại. Nguy hiểm hơn là rơi vào đường thở, gây tắc nghẽn hô hấp đe doạ tính mạng của trẻ.
Vì vậy, trước khi cho bé bú lại mẹ cần vệ sinh, lau sạch miệng cho trẻ bằng khăn mềm. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống 2-3 ngụm nước nhỏ để làm sạch khoang miệng. Đồng thời, để bé nghỉ ngơi khoảng 30 – 60 phút, đến khi sắc mặt bé tươi tỉnh trở lại mới cho bú tiếp.
Cách xử lý khi trẻ bị ọc sữa
Cho trẻ bú lại ngay sau khi ọc sữa là điều không nên. Điều quan trọng nhất mẹ cần làm khi trẻ bị ọc sữa là xử lý kịp thời, không để bé cảm thấy khó chịu, tìm cách hạn chế tình trạng ọc sữa khi bú để hệ tiêu hóa của bé được bảo vệ và phát triển khỏe mạnh. Khi trẻ bị ọc sữa, mẹ cần bình tĩnh và xử trí theo các bước sau:
Bước 1: Để bé ngồi dậy và vệ sinh miệng cho bé
Cho trẻ ngồi thẳng lên để hạn chế chất nôn lọt vào đường thở. Nếu bé ho có nghĩa là đường thở chỉ bị tắc một chút. Mẹ nên để bé ho và phun hết sữa ra ngoài. Sau đó, dùng khăn mềm lau sạch mũi, miệng, cổ và cho bé thay quần áo sạch.
Bước 2: Hút sữa
Nếu bé có dấu hiệu khó thở, mặt tím tái, mẹ cần hút sữa ra khỏi mũi bé ngay để lưu thông đường thở. Sau đó, có thể đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ.
Bước 3: Vỗ lưng cho bé
Nếu sau khi hút sữa trẻ vẫn khó thở, mẹ hãy tiếp tục thông đường thở cho bé bằng cách: cho bé nằm sấp lên đùi sao cho đầu thấp hơn thân. Mẹ lưu ý cần dùng ngón cái và ngón trỏ để đỡ vùng xương hàm của bé. Đồng thời, tay còn lại vỗ nhẹ lưng bé, cứ 5 cái thì lật bé lại để đẩy hết sữa nôn ra ngoài giúp bé thở lại bình thường.
Bước 4: Ấn ngực
Sau khi thực hiện các bước trên mà trẻ vẫn có dấu hiệu khó thở, mẹ tiếp tục thực hiện thao tác ấn ngực cho bé. Mẹ cho bé nằm ngửa ra, một tay giữ đầu, tay còn lại ấn nhẹ vào vị trí dưới điểm cắt của đường nối 2 núm vú và đường giữa ức một khoảng bằng chiều ngang ngón tay để bé ọc ra hết phần sữa còn lại. Mẹ cần chú ý quan sát vùng họng và miệng của bé, nếu có sữa hãy dùng gạc mềm lau sạch.
Bước 5: Đưa bé đi cấp cứu
Trong trường hợp mẹ đã thực hiện những bước trên mà trẻ vẫn còn khó thở và tím tái, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Trong thời gian chờ cấp cứu, mẹ cần thực hiện sơ cứu lại từng bước như hướng dẫn bên trên.
Mẹo giúp bé hạn chế tình trạng ọc sữa, dễ bú hơn
Để khắc phục tình trạng ọc sữa cho trẻ, mẹ có thể áp dụng các mẹo dưới đây:
- Vỗ trẻ sơ sinh ợ hơi sau khi bú. Mẹ đặt 1 tay ở phần cổ, tay còn lại đặt ở phần mông và đặt bé lên vai để vỗ ợ. Khi ợ được thì sẽ giảm thiểu tình trạng trẻ bị ọc sữa.
- Đảm bảo tư thế nằm cho trẻ đúng cách và thoải mái. Giữ trẻ nằm thẳng sau khi bú ít nhất 30 phút. Hãy bế con thay vì để bé tự ngồi hoặc nằm trên ghế, nếu không đúng tư thế sẽ dễ bị ọc sữa.
- Không nên vận động bé mạnh sau khi cho bú. Sau khi bú, không nên lắc lư hoặc chơi đùa với bé, cần cho bé nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Mẹ không nên cho bé bú quá no, kể cả là bú bình hay bú sữa mẹ thì cũng không nên cho bé bú lại ngay sau khi bị ọc sữa.
- Lót thêm khăn dưới đệm cho bé. Mẹ có thể nâng cao đầu cũi hoặc nôi của bé bằng cách lót thêm khăn ở phía dưới đệm, không lót trực tiếp dưới cổ bé. Khi nâng cao sẽ hạn chế tình trạng ọc sữa tối đa.
- Chia nhỏ cữ bú và cho bé bú theo giờ nhất định. Điều này giúp hạn chế được việc bé ăn quá no, đồng thời hình thành thói quen sinh hoạt ăn uống đúng giờ cho trẻ.
- Trong trường hợp nuôi con bằng sữa công thức, mẹ nên sử dụng sữa thủy phân để giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để sử dụng men vi sinh đa chủng dành cho trẻ nhỏ. men vi sinh giúp bổ sung nhiều chủng lợi khuẩn cần thiết cho hệ tiêu hoá của trẻ. Lợi khuẩn khi vào cơ thể sẽ cạnh tranh môi trường sống và tiết ra enzyme để tiêu diệt hại khuẩn, làm giảm lượng khí dư thừa trong dạ dày do vi khuẩn có hại sinh ra.
Khẳng định lại một lần nữa cho câu hỏi “Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không” là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên các phụ huynh nên lắng nghe cơ thể của bé, đồng thời áp dụng những lời khuyên từ chuyên gia, không nên cho trẻ bú lại ngay lập tức. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm được nhiều thông tin bổ ích đến với bạn đọc, giúp các bậc cha mẹ có thêm phương pháp chăm sóc trẻ tại nhà hiệu quả.