Với những gia đình có người thân đang nghiện ma tuý chắc hẳn biết được để cai nghiện cho họ là điều vô cùng khó khăn. Bởi vì ma tuý giống như một “con đỉa đói”, nó bám dính chắc vào người nghiện mà không buông, dần dần hút hết sức khoẻ của họ cho đến khi cạn kiệt, khiến cho “người không ra người, quỷ không ra quỷ”. Có những dấu hiệu đặc trưng rất rõ của người nghiện ma tuý như người gầy rộc, mắt trũng sâu, vô hồn, thường xuyên ngáp, lờ đờ, uể oải… Không biết mọi người đã tìm hiểu về hiện nay có bao nhiêu hình thức cai nghiện ma tuý chưa? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây:
Nghiện ma tuý: Gánh nặng của người nghiện, gia đình và xã hội
Có thể nói lâu nay ma tuý chính là mối hiểm hoạ của toàn xã hội, bởi vậy Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quyết liệt trong việc phòng chống ma tuý. Và những gia đình có người nghiện ma tuý chắc hẳn đã phải gánh chịu rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến đó là nghiện ma tuý đòi hỏi phải có kinh tế mới có thuốc dùng, bởi vậy mà chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh các đồ đạc có giá trị trong nhà của người nghiện nối đuôi nhau ra đi. Tiếp theo đó việc sử dụng ma tuý khiến con người, tính tình người nghiện thay đổi. Kể cả trước đó có là người hiền lành, chăm chỉ, giỏi giang đến đâu thì cũng sa đoạ, biến chất… Chưa kể những lúc lên cơn “ngáo đá”, sẵn sàng gây tổn thương cho người thân và người xung quanh. Gia đình vì vậy mà bị mọi người từ họ hàng, làng xóm xa lánh. Không chỉ gây hại cho chính mình, người nghiện còn rủ rê bạn bè, người yêu, vợ/ chồng, người thân… cùng hút chích.
Có những địa phương thanh niên trong độ tuổi đi học, lao động… đáng ra phải cống hiến cho sự phát triển của gia đình, xã hội thì lại theo bạn bè rủ rê, nghiện ngập báo hại gia đình, gây rối loạn trật tự làng xóm. Rồi những nguy cơ HIV/ AIDS luôn rình rập. Nguyên nhân được các chuyên gia giải thích đó là do một bộ phận thanh thiếu niên bản tính tò mò, thích cảm giác mới lạ và có sự ngộ nhận rằng ma tuý tổng hợp “rất nhẹ”, không thể gây nghiện. Nhưng đã thử một lần thì sẽ có lần thức hai, lần thứ 3 và nghiện lúc nào không hay.
Các hình thức cai nghiện ma tuý ở nước ta hiện nay
Có bao nhiêu hình thức cai nghiện ma tuý là vấn đề đang được các gia đình có người nghiện quan tâm nhất lúc này. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật phòng chống ma tuý năm 2008 tại khoản 4 điều 1 có quy định những biện pháp, hình thức cai nghiện bao gồm:
- Có hai biện pháp cai nghiện chính là cai nghiện ma tuý tự nguyện và cai nghiện ma tuý bắt buộc.
- Có 3 hình thức cai nghiện ma tuý là: cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma tuý tại cơ sở khám chữa bệnh và cai nghiện ma tuý tại cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Cai nghiện ma tuý tự nguyện
Cai nghiện ma tuý tự nguyện là người nghiện sẽ thực hiện quá trình cai của mình một cách tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc các cơ sở cai nghiện tư nhân. Trong đó người nghiện sẽ cai theo quy trình đó là làm đơn xin cai nghiện tự nguyện; đơn được tiếp nhận và phân loại; được điều trị cắt cơn, giải độc và các rối loạn tâm thần, bệnh lý khác; sau cùng người nghiện sẽ được giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi và nhân cách.
Cai nghiện ma tuý tại gia đình
Cai nghiện ma tuý tại gia đình là hình thức cai nghiện mà người nghiện sẽ tự nguyên cai tại gia đình nhưng phải dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các tổ chức, cá nhân có cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý. Theo đó phải có sự phối hợp, trợ giúp của gia đình và chịu sự quản lý của Uỷ ban nhân cấp xã.
Đối tượng cai nghiện của hình thức này đó là những người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các địa bàn cấp xã . Thời gian cai nghiện sẽ khoảng từ 6 đến 12 tháng kể từ ngày có quyết định của Uỷ ban nhân dân xã.
Người cai nghiện ma tuý theo hình thức này sẽ được hướng dẫn những điều sau:
- Các tổ chức hay cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tại gia đình trong địa phương để gia đình người nghiện có thể tham khảo.
- Quy trình cai nghiện ma tuý.
- Xây dựng kế hoạch cai nghiện, thực hiện kế hoạch cai nghiện và dự phòng tái nghiện sau cai.
- Có quyền và nghĩa vụ khi thực hiện cai nghiện.
- Được tham gia học nghề, lao động sản xuất và sinh hoạt các câu lạc bộ, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức.
- Được hướng dẫn về các chính sách cai nghiện của nhà nước.
Việc đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình được quy định cụ thể tại điều 9, nghị định số 94/2010/NĐ-CP như sau:
- Người nghiện ma tuý hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện chưa thành niên có trách nhiệm đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Tổ công tác sẽ giúp Uỷ ban nhân dân xã tiếp nhận hồ sơ.
- Hồ sơ đăng ký gồm có: Đơn đăng ký tự nguyện (nội dung bao gồm tình trạng nghiện, các hình thức cai nghiện đã tham gia, tình trạng sức khoẻ và cam kết cai nghiện tự nguyện tại gia đình), bản sơ yếu lý lịch của người nghiện và kế hoạch cai nghiện cá nhân.
Cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện cộng đồng
Ngoài cai nghiện tại gia đình thì cai nghiện tự nguyện còn có một hình thức nữa là cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện cộng đồng. Đối tượng áp dụng đó là người nghiện ma tuý trong cộng đồng nhưng không có điều kiện cai nghiện tại nhà. Tại các cơ sở này người nghiện sẽ được áp dụng các biện pháp điều trị, tư vấn, học tập, lao động, rèn luyện nhằm giúp người nghiện phục hồi sức khoẻ, nhận thức, tâm lý cùng hành vi, nhân cách trở lại với tình trạng bình thường. Người nghiện cai tại cộng đồng phải đủ từ 12 tuổi trở lên và thời gian cai được áp dụng từ 6-12 tháng kể từ ngày có quyết định.
Cơ sở cai nghiện tại cộng đồng phải có đầy đủ các yêu cầu sau:
Về cơ sở vật chất:
- Có khu vực chuyên môn để tiếp nhận, cắt cơn, giải độc, cấp cứu, theo dõi sau cắt cơn, phục hồi, nơi xét nghiệm và các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật.
- Có khu vực quản lý riêng cho người cai nghiện chưa thành niên, phụ nữ, người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm.
- Có biện pháp, phương tiện nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho các cán bộ, nhân viên cùng người nghiện.
- Có nơi học tập, vui chơi, sinh hoạt, thể dục thể thao, sinh hoạt vă hoá theo chương trình giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện.
- Có hệ thống điện nước đầy đủ, trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoạt động ổn định.
- Có mặt bằng, nhà xưởng làm nơi dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho người bệnh.
Về nhân sự:
- Người đứng đầu cơ sở phải có trình độ cao đẳng trở lên và được tập huấn về nghiệp vụ công tác cai nghiện.
- Người phụ trách chuyên môn là bác sĩ, có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc lĩnh vực hỗ trợ cai nghiện, thời gian hành nghê >36 tháng và thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện > 12 tháng.
- Có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, giáo viên dạy nghề, kỹ thuật viên trình độ trung cấp trở lên, chứng chỉ hành nghề phù hợp. Người làm công tác bảo vệ phải có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ.
- Người làm việc ở đây phải có hồ sơ, sơ yếu lý lịch rõ ràng, không thuộc nhóm đối tượng cấm hành nghề.
Cai nghiện ma tuý bắt buộc
Cai nghiện ma tuý bắt buộc được áp dụng với các đối tượng sau:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện.
- Sử dụng ma tuý trong thời gian cai nghiện.
- Người nghiện có sử dụng các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hay tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế thế.
- Tái nghiện trong thời gian quản lý sau cai nghiện.
Với các đối tượng thuốc trường hợp trên nhưng độ tuổi từ 12-18 tuổi thì việc đưa đi cai nghiện bắt buộc sẽ do Toà án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử phạt hành chính.
Cai nghiện ma tuý tại cơ sở khám chữa bệnh công lập
Cai nghiện ma tuý bắt buộc được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ sở này. Thời hạn quy định đó là từ 6 tháng đến 12 tháng.
>>>Xem thêm
- Thuốc cai nghiện ma tuý
- Cách đào thải ma tuý đá ra khỏi cơ thể
- Thời gian cai nghiện ma tuý bao lâu
Các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho những người cai nghiện
Đối với các đối tượng nghiện ma tuý, Nhà nước có những chính sách cùng chế độ đặc biệt nhằm khuyến khích người nghiện tham gia vào quá trình cai nghiện, có thêm động lực cũng như giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người nghiện. Cụ thể là:
- Bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần tại các cơ sở cai nghiện công lập.
- Hỗ trợ 95% các loại chi phí gồm chi phí sàng lọc, đánh giác mức độ nghiện, thực hiện dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sĩ điều trị, điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội, thuốc chữa bệnh thông thường cho các đối tượng đặc biệt là thương binh; người nhiễm chất độc hoá học hoặc suy giảm khả năng lao động lên đến 81%; người thuộc hộ nghèo; người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; trẻ mồ côi; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.
Ngoài những trường hợp trên thì dựa theo tình hình thực tế của người nghiện cùng hoàn cảnh gia đình của họ mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào đó để cân đối ngân sách, dự kiến số lượng để quyết định:
- Mức hỗ trợ cao hơn, mở rộng đối tượng.
- Mức hỗ trợ tiền ăn, mặc hàng tháng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân tối thiểu 70% của người bị xử lý hành chính bắt buộc cai nghiện.
- Với người cai nghiện tự nguyện thì mức hỗ trợ là chỗ ở.
Trên đây là chi tiết câu trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu hình thức cai nghiện ma tuý. Hy vọng những thông tin này hữu ích đối với những gia đình đang có người thân ở trong trường hợp đó. Cai nghiện mà cách duy nhất để người nghiện có thể trở lại với cuộc sống bình thường, tránh xa khỏi “cái chết trắng” đang ăn mòn cơ thể họ.
Tóm lại có thể nói trong các hình thức nói trên chúng ta rất khó để so sánh mức độ hiệu quả của cả 3. Bởi vì các hình thức này được quy định trong các văn bản của pháp luật cho từng đối tượng. Hiệu quả phụ thuốc vào quy trình cai nghiện, quyết tâm của người nghiện cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ đến từ gia đình, cộng đồng.