Theo thống kê của cục Phòng chống tệ nạn thì hiện nay nước ta đang có khoảng 240.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên con số này thật sự thì phải gấp 3, 4 lần số liệu ở trên, có nghĩa là lên đến 1 triệu người. Trong đó số người nghiện ma tuý đá chiếm tỷ lệ cao (60-70%) và có xu hướng tiếp tục tăng. Hơn thế nữa độ tuổi nghiện ngày càng bị trẻ hoá là một mối lo đối với xã hội. Và hơn hết đó chính là cách ứng xử với người nghiện ma tuý làm sao cho phù hợp:
Những băn khoăn trong cách ứng xử của mọi người với người nghiện ma tuý
Xã hội hiện nay có nhiều cách nhìn nhận đối với người nghiện ma tuý. Đó là các thái độ như:
- Kỳ thị: Đây là tâm lý của nhiều người. Ma tuý là một tệ nạn của xã hội, người nghiện ma tuý có nguy cơ mắc bệnh HIV và có thể lây truyền trong cộng đồng. Bởi vậy mọi người mặc định người nghiện ma tuý là người bị HIV, sợ rằng mình sẽ bị lây nhiễm mà kỳ thị, tránh xa họ.
- E sợ, né tránh: Nhà hàng xóm có một người nghiện thì hàng xóm láng giềng, những người xung quanh rất lo lắng và e sợ. Họ sợ gia đình mình sẽ có người bị rủ rê học theo điều xấu. Nhất là hiện nay các đối tượng nghiện ma tuý “ngáo đá” ngày càng nhiều. Không chỉ gây nguy hiểm cho mọi người mà đến bản thân người nhà họ cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân. Rất nhiều các trường hợp bị thương, bị giết bởi người ngáo đá.
- Thương cảm: Một số ít trường hợp thì tỏ ra thương cảm, tiếc nuối cho những người nghiện. Bởi không phải ai nghiện cũng là do đua đòi, ăn chơi. Có những người vì thiếu hiểu biết, bị người xấu lừa sử dụng ma tuý dẫn đến nghiện mà không thể cưỡng lại. Để rồi muốn cai cũng vô cùng khó khăn.
Trở ngại trong giao tiếp của người nghiện ma tuý
Không chỉ xã hội có những cái nhìn khác nhau đối với người nghiện ma tuý mà chính những người nghiện nay cũng có thái độ khác với mọi người xung quanh. Từ đó tạo ra những trở ngại giao tiếp giữa đôi bên. Theo đó tâm lý của người nghiện có các dạng sau:
- Tâm lý tự ti: Họ cảm nhận thấy sự khác biệt lớn giữa bản thân và phần lớn mọi người trong xã hội. Nhận thức được hành vi của mình là xấu và bị xã hội lên án. Chính vì vậy mà họ hạn chế trong việc giao tiếp, tạo lập mối quan hệ với những người xung quanh.
- Định kiến: Rất nhiều người cho rằng người nghiện là tội phạm, họ là người lệch chuẩn so với chuẩn mực đạo đức. Và người nghiện ma tuý sẽ bị xã hội xa lánh, không muốn tiếp xúc cùng.
- Tự tin quá đáng: Nhiều người nghiện có tâm lý tự tin quá đáng rằng chỉ cần họ thích sẽ cai nghiện được ngay, tự chủ được trong việc dùng ma tuý (tức là thích dùng thì dùng, không dùng cũng không sao…). Những lời hứa có thể dễ dàng nói ra nhưng đằng sau họ vấn tái nghiện như thường. Nhiều người còn có thái độ cho rằng không ai bằng mình, việc gì cũng có thể làm được, vì thế coi thường sự giúp đỡ người khác. Từ đây những người hỗ trợ sẽ gặp phải khó khăn khi tiếp cận.
- Tâm lý bế tắc: Người nghiện còn có những tâm lý tiêu cực khác như buồn chán, lười nhác, cáu kỉnh, không thật thà, bi quan, thấy cuộc đời đen tối, dễ kích động hay doạ tự sát… Với tâm lý này rất dễ bị người xấu rủ rê để tái nghiện lại.
Nguyên tắc trong cách ứng xử với người nghiện may tuý
Người nghiệm ma tuý ngày càng tăng kéo theo đó là những mối lo ngại và e sợ. Nhiều đối tượng nghiện thuộc kiểu dễ kích động hoặc tâm lý nhạy cảm thì chúng ta phải có được sự tinh tế khi nói chuyện với họ. Dưới đây là các nguyên tắc được các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng trong cách ứng xử với người nghiện ma tuý:
Tôn trọng người nghiện ma tuý khi giao tiếp
Bất kể là đối tượng nào thì khi giao tiếp chúng ta luôn luôn phải dành sự tôn trọng đúng mực cho đối phương. Các nội dung đảm bảo sự tôn trọng gồm có:
- Tôn trọng nhân cách của nhau
- Tôn trọng về phẩm giá
- Tôn trọng tâm tư, nguyên vọng
- Tôn trọng quyền con người
- Không ép buộc nhau làm bất cứ điều gì mà họ không mong muốn
Để thể hiện sự tôn trong đối với một người chúng ta cần thể hiện như sau:
- Chú ý lắng nghe những ý kiến của đối phương
- Thái độ thể hiện đúng mực, tốt hơn là ân cần, niềm nở. Thể hiện các phản ứng biểu cảm của mình một cách tự nhiên, chân thành và trung thực.
- Thể hiện hành vi giao tiếp có văn hoá.
- Thể hiện sự tôn trọng quá trong phục.
Bởi tôn trọng người đối diện cũng chính là cách chúng ta tôn trọng bản thân mình.
Thể hiện thái độ chấp nhận trong quá trình giao tiếp
Chấp nhận người nghiện ma tuý có vẻ là một khái niệm khá trừu tượng nhưng nó được thể hiện qua cách giao tiếp, thái độ thể hiện của người nói. Đó là bạn phải tiếp nhận họ một cách không tính toán, không thành kiến và không nên đưa ra bất cứ phán quyết nào về hành vi của họ. Chấp nhận cũng không đồng nghĩa với việc tha thứ cho hành vi xã hội lên án này. Nhưng chúng ta nên thể hiện mối quan tâm và thiện chí với con người đằng sau hành vi đó.
Bất kể là ai trong xã hội này, dù giàu hay nghèo, bình thường hay bất bình thường, nghiện hay không thì đều có nhân phẩm, giá trị riêng và quyền được tôn trọng. Vì thế trong các hoạt động hỗ trợ người nghiện ma tuý bạn nên thể hiện thái độ chấp nhận thật sự. Việc chấp nhận không có nghĩa là đồn tình với những gì họ làm mà chỉ ghi nhận ở sự tồn tại và không phán xet về hành vi, suy nghĩ của họ. Thực hiện được điều này sẽ giúp bạn đạt được lòng tin của những người bị nghiện, từ đó thúc đẩy tốt sự hợp tác và chia sẻ.
Cần phải kiên nhẫn khi giao tiếp
Khi chưa có sự thấu hiểu lẫn nhau thì thông cảm thôi chưa đủ, phải chờ đợi nhau. Đôi bên cần chờ để bên kia có những suy nghĩ thấy đáo, có sự cân nhắc kĩ càng. Không nên đưa ra những quyết định trong lúc nóng nảy, chờ cho cảm xúc nguôi ngoai, thật sự tỉnh táo mới đưa ra. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng khi chúng ta giao tiếp với người nghiện ma tuý. Họ thuộc nhóm người đặc biệt, bị xã hội hay chính bản thân họ đánh giá không cao. Bởi vậy việc kiên nhẫn lắng nghe họ nói là một yếu tố vô cùng quan trọng khi làm việc với họ. Nó thể hiện sự tôn trọng, đồng cảm và cả sự đồng hành của chúng ta.
Dùng trái tim cảm nhận cảm xúc của họ
Có thể nói cơn nghiện là một thứ độc dược mê hoặc đến chết người. Nó khiến cho người nghiện cảm thấy khó chịu và không muốn chia sẻ với bất kì ai. Vì vậy mà những người bình thường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu cảm xúc của đối tượng này. Có những trường hợp cơn nghiện bộc phát cướp đi chính tính mạng của người nghiện bởi những cảm giác khó chịu do thiếu thuốc mang lại, nhiều cái chết vô cùng thương tâm.
Nếu trong nhóm bạn của bạn có một người bị nghiện bất cứ thứ gì như thuốc lá hoặc rượu chắc hẳn họ sẽ trải qua những ngày tháng vô cùng khó chịu. Những đêm không thể ngủ, sự sợ hãi, bối rối và khó chịu đến cùng cực. Chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh đó bạn sẽ thấu hiểu được phần nào nhưng không phải là tất cả. Bởi vậy hãy thật cẩn thận trong lời nói của chính mình vì nếu nói ra một số lời không đúng đó có thể trở thành liều thuốc kích động hoặc khiến cho tâm lý của người nghiện càng tệ hại hơn.
Duy trì hành động giúp đỡ
Khi nói chuyện với người nghiện ma tuý ta nên đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán. Ví dụ như không thảo luận với họ tình trạng nghiện ma tuý, chỉ nhìn nhận cách họ làm. Bởi nếu thảo luận đúng sai lúc này không còn quan trong nữa, sẽ khiến cho đối phương bị bối rối, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Hãy chỉ giúp đỡ trong việc kiểm tra, quản lý trong quá trình họ cai nghiện mà thôi. Tránh buộc tội hay phê phán. Thay vào đó thể hiện sự thông cảm, cho họ biết rằng điều bạn lo lắng nhiều hơn đó là sức khoẻ và những khó khăn họ sẽ đối mặt sắp tới. Bạn hãy cố gắng giữ lời hứa và giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Nếu họ có nản lòng, thoái chí cái việc cai nghiện do khó khăn thì đừng vội rút lui, bởi điều này càng khiến động lực cố gắng chữa trị của họ bị sụt giảm mạnh.
Khuyến khích người nghiện cai nghiện
Đây là mục tiêu cốt yếu nhất mà tất cả mọi người và cả xã hội đều mong muốn, đó là giúp người nghiện cai nghiện, tái hoà nhập với xã hội. Nhưng đừng liên tục nói về những tiêu cực trong thế giới người nghiện. Bởi làm như vậy càng chỉ khiến họ lo âu và suy nghĩ bi quan hơn, không tốt cho quá trình cai nghiên, đôi khi còn làm phản tác dụng. Thay vào đó hãy nói đến những lợi ích của lối sống lành mạnh. Tốt hơn hết chúng ta nên tìm kiếm sự hỗ trợ của cả cộng đồng.
5 Kỹ năng giao tiếp với người nghiện Ma tuý
Khi giao tiếp với người nghiện cần chú ý 5 kỹ năng sau:
Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ
- Nên sử dụng, lựa chọn ngôn từ để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, họ sẽ nhận thấy chúng ta hiểu vệ cuộc sống của họ.
- Chú ý lắng nghe và thể hiện rằng mình quan tâm đến vấn đề họ đang nói.
- Cố gắng nhận ra trong lời nói của họ đâu là nhu cầu cấp thiết, nên giải quyết những nhu cầu đó trước. Hoặc không thì thành thật nói rằng cần thời gian để tìm hiểu và trao đổi với nhau để tìm ra cách giải quyết.
- Không thể hiện định kiến của bản thân với các vấn đền liên quan đến ma tuý.
- Sử dụng ngôn từ thích hợp nhằm vượt qua các rào cản trong giao tiếp.
Kỹ năng giao tiếp không lời
- Thể hiện thông qua thái độ, nét mặt, cử chỉ, hành vi giao tiếp.
- Đối với giao tiếp bằng mắt, hãy luôn cố gắng duy trì ánh mắt mình hướng tới họ khi lắng nghe. Ánh mắt chăm chú và thân thiện sẽ tạo nhiều thiện cảm hơn.
- Nét mặt: Thể hiện sự khích lệ, chia sẻ để đối phương không cảm thấy mình bị xem thường hay thương hại.
- Tư thế ngồi: Tư thế ngồi giúp chúng ta quan sát tốt thái độ, cử chỉ, cảm xúc của người đối diện, song vị trí ngồi cũng cần đảm bảo cho sự an toàn của chúng ta.
- Sự cởi mở: Nên hơi ngả người về phía trước một cách thoải mái, không nên khoanh tay trước ngực, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ với họ.
- Khoảng cách : Nếu khoảng cách quá xa sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái, không thân thiện và không nghe rõ người ta chia sẻ. Còn quá gần thì tạo cảm giác không an toàn, có thể bị xâm phạm bất cứ lúc nào.
>>>Xem thêm
- Phơi nhiễm HIV là gì
- Virus HIV Sống Được Bao Lâu Ngoài Môi Trường?
- Người Nhiễm HIV Sống Được Bao Lâu?
Kỹ năng quan sát
Là khả năng nhìn bao quát điệu bộ, hành vi, cử chỉ và thái độ của người đối diện. Nhất là đối với người nghiện ma tuý cần phải quan sát thật kỹ họ bằng cách:
- Luôn duy trì sự giao tiếp bằng mắt phù hợp với cách nhìn và tư thế, thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng lắng nghe.
- Im lắng, tập trung quan sát họ. Đưa các phản hồi khi cần thiết.
Kỹ năng đặt câu hỏi
Đây là cả một nghệ thuật. Để hiểu biết rõ hơn cũng như giúp cho quá trình giúp đỡ sau này người giao tiếp có những lúc cần đưa ra câu hỏi nhằm khai thác thông tin. Lúc này chúng ta nên cẩn trọng trong việc đặt câu hỏi. Có nhiều dạng khác nhau như câu hỏi mở, câu hỏi đóng, câu hỏi giúp phân loại mức độ. Tuỳ vào hoàn cảnh giao tiếp mà linh hoạt trong cách ứng xử.
- Không nên dùng các câu hỏi đa nghĩa.
- Tránh dùng nhiều từ để hỏi tạo cảm giác dồn dập.
- Nên hỏi với tần suất vừa phải, vừa hỏi vừa chú ý đến phản ứng của đối phương, không nên hối thúc ha vội vàng.
Kỹ năng lắng nghe
Nắng nghe cũng là kỹ năng bạn cần rèn luyện trong cách ứng xử với người nghiện ma tuý. Điều mà bạn cần thể thể hiện đó là:
- Im lặng để nghe, hạn chế nói chen vào.
- Tập trung tư tưởng, không suy nghĩ về vấn đền khác. Cũng không nên suy diễn hay tự đoán, hãy lắng nghe hết những điều họ nói.
- Chú ý đến cảm xúc của đối phương.
- Có thể đưa ra phản hồi khi cần thiết nhằm tăng sự tương tác và cho thấy bạn vẫn đang lắng nghe.
- Tránh các hành động thể hiện sự coi thường, phân biệt hay có thái độ nghiêm khắc.
Hãy giúp người nghiện ma tuý cảm thấy an tâm, có những suy nghĩ tích cực hướng tới sự điều trị. Việc này có ý nghĩa rất lớn giúp người nghiện hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, rời xa thứ độc dược chết người kia.