Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Phúc hiệu quả sau một năm hoạt động

03-12-2017
Bởi: admin Có: 0 bình luận 2174 lượt xem
Cách đây vừa tròn một năm, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Vĩnh Phúc được thành lập lập theo Quyết định số 2933/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2014. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội Vĩnh Phúc, thực hiện nhiệm vụ công tác được xem là một nghề hiện đang còn rất mới mẻ ở Việt Nam (nghề công tác xã hội), song Trung tâm CTXH Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực tự vận động, tranh thủ mọi sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của mọi tổ chức trong và ngoài tỉnh, từng bước khẳng định được tính ưu việt của nghề này qua chất lượng công việc hàng ngày, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu chung vì tương lai tốt đẹp của cộng đồng, vì sự tiến bộ của xã hội.
CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng người dân, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề CTXH.
 Công tác xã hội đã được xem như một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới từ rất lâu. Còn ở Việt Nam từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 “về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020” thì mới có cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH. Mục tiêu của nghề CTXH là giúp các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Về mặt bản chất, CTXH cố gắng giúp thân chủ của mình mạnh lên để có thể tự giúp mình. Hay nói một cách khác, CTXH là một nghề mà người làm công tác xã hội giúp đỡ các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng người chịu thiệt thòi trong xã hội (gọi chung là các đối tượng yếu thế) để họ tự giải quyết những khó khăn và vươn lên trong cuộc sống, tiến tới hòa nhập cộng đồng.
Căn cứ từ những mục tiêu cơ bản trên, Trung tâm CTXH Vĩnh Phúc, ngay sau khi đi vào hoạt động đã tích cực chủ động tham mưu với Sở Lao động – TB&XH tỉnh, đồng thời trực tiếp tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, thực hiện các dịch vụ liên quan đến công tác xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Đây được xem là bước khởi đầu thành công của Trung tâm. Bởi lẽ, càng nhiều  người biết đến và hiểu về CTXH  thì sự cảm thông, cộng tác, chia sẻ với các đối tượng yếu thế càng lớn hơn trong cộng đồng, xã hội. Đó cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà nghề công tác xã hội hướng tới.
Mặc dù thời gian chưa dài, lượng kinh phí còn hạn hẹp, nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm, bằng lòng nhiệt tình, đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Tiếp ngay sau đó, lựa chọn địa điểm, tổ chức được 02 Hội nghị truyền thông trực tiếp tại cộng đồng trên địa bàn huyện Tam Dương và huyện Vĩnh Tường; nội dung giới thiệu về nghề công tác xã hội và Trung tâm công tác xã hội Vĩnh Phúc cho hơn 240 Đại biểu là lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và xã hội, đại diện lãnh đạo các đoàn thể, trưởng khu dân cư, các đối tượng yếu thế trong khu vực. Qua hoạt động truyền thông đã giúp cho một bộ phận cán bộ lãnh đạo xã, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong khu vực được tuyên truyền, nâng cao được nhận thức về công tác xã hội, đồng thời giúp cho người dân tiếp cận và từng bước sử dụng hiệu quả dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, người dân được thoải mái trao đổi và bày tỏ nguyện vọng của mình với công tác xã hội và đều có chung một cảm nhận, nghề CTXH rất cần thiết trong đời sống cộng đồng.
Đồng chí Cao Đắc Xuân – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc tại hội nghị truyền thông  huyện Tam Dương.
Cũng trong thời gian này 5.000 tờ rơi, sản phẩm truyền thông có nội dung tuyên truyền, giới thiệu về nghề công tác xã hội và Trung tâm công tác xã hội Vĩnh Phúc đã được cấp phát miễn phí tới cộng đồng.
Sau các Hội nghị truyền thông, Trung tâm nhận được nhiều sự phản hồi tích cực từ phía người dân và bày tỏ nguyện vọng được chia sẻ, tư vấn hỗ trợ trong đời sống xã hội của cá nhân. Cán bộ Trung tâm được phân công, đã đi tư vấn cho 33 lượt người hỏi về chế độ, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Hoàn thiện việc thu thập thông tin của 64 đối tượng yếu thế tại địa bàn các xã  đã tổ chức Hội nghị truyền thông. Đánh giá, sàng lọc và xây dựng kế hoạch trợ giúp cho 10 đối tượng yếu thế  tại cộng đồng. Quản lý trường hợp đối với 04 đối tượng khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng (đã đóng ca được 02 trường hợp). Tổ chức trao xe lăn cho đối tượng khuyết tật Phạm Văn Lộc ở thôn Lỉnh Dầu, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Tiếp nhận 01 nạn nhân ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên  bị bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh bàn giao vào tạm lánh tại Trung tâm. Sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, nạn nhân đã được cán bộ Trung tâm tư vấn, ổn định tâm lý và đã được bàn giao trở về gia đình và địa phương. Tiếp nhận tin báo về 01 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại chùa Diên Linh, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường (ngày 18/8/2014). Sau khi nhận được tin báo, Trung tâm đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan, tư vấn và can thiệp khẩn cấp đảm bảo an toàn, tính mạng cho cháu bé. Phối hợp với Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Trung tâm thuộc Bộ Lao động – TB&XH quản lý) khám và tư vấn điều trị bệnh miễn phí cho cháu Phùng Hoàng Việt ở Đồng Tĩnh, Tam Dương bị bại não, suy dinh dưỡng, dạng khuyết tật vận động, liệt nửa người.
Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Phúc phối hợp với UBND xã Đồng Tĩnh trao xe lăn cho đối tượng Phạm Văn Lộc.
Có thể những con số thống kê về thành tích còn rất khiêm tốn, nhưng nhìn lại khoảng thời gian Trung tâm đi vào hoạt động chưa lâu và cả những khó khăn không nhỏ về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, nhân lực con người… thì đó là thành quả đáng ghi nhận của một tập thể luôn biết nỗ lực vượt khó đi lên. Tập thể Ban giám đốc Trung tâm cũng luôn tin tưởng xác định, khó khăn đó chỉ là tạm thời, sẽ sớm được khắc phục. Có được như vậy, trước hết cần tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trực tiếp là của sở Lao động- TB&XH Vĩnh Phúc dành cho Trung tâm. Từ đó làm tiền đề, tiếp tục phát huy nội lực của cơ quan, tạo ra vị thế mới, củng cố lòng tin cho các đối tượng và nhận được sự đồng thuận tích cực của cộng đồng xã hội đối với nghề CTXH nói chung và đối với Trung CTXH Vĩnh Phúc nói riêng./.
Lương Cầm Vĩnh

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC