Công tác xã hội trường học – giải pháp cho những vấn đề khó khăn của học sinh

03-12-2017
Bởi: admin Có: 0 bình luận 2893 lượt xem

Nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong trường học như: bạo lực, tự tử, bỏ học, mang thai,vi phạm pháp luật, những tổn thương trong các mối quan hệ gia đình – học đường, định hướng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng… dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Để giải quyết những vấn đề trên, cần sự nỗ lực lớn của ngành giáo dục và toàn xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm trực tiếp của công tác xã hội học đường.

Học sinh rất cần tư vấn, nói chuyện và giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong học đường. Ảnh: KT
Học sinh đang “vấp” rất nhiều “vấn đề”
Đây là kết luận rút ra sau kết quả khảo sát trực tuyến trên trang thư viện trực tuyến Violet.vn. Theo đó, học sinh đang gặp phải rất nhiều vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, vấn đề “Nghiện game, mạng xã hội” có tỷ lệ cao nhất là 67,7%; “Học kém” 61,3%; “Bạo lực học đường, vô lễ với thầy cô” 51,6%; “Vi phạm quy chế học, thi cử”, “Yêu sớm và quan hệ tình dục không an toàn” cũng cho thấy sự phức tạp và có thể để lại hậu quả lớn đối với sự thành công, hạnh phúc trong tương lai của học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Hiệp Thương, Khoa Công tác xã hội (CTXH), trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề cho học sinh, có thể xuất phát từ bản thân, gia đình, ảnh hưởng từ nhà trường và có thể do ảnh hưởng của môi trường (quán nét, quán game, ảnh hưởng tiêu cực từ ti vi, mạng Internet)…
Thạc sĩ Thương cho biết thêm, nếu gặp phải các vấn đề trên, sẽ gây ra những hậu quả rất lớn đối với các em như không tập trung vào việc học, học hành sa sút, dễ bỏ học. Các em có thể giao du với bạn xấu bên ngoài trường để gây ra các vụ bạo lực học đường; coi thường sự dạy bảo của phụ huynh và giáo viên; hiểu nhầm lí tưởng sống, sống buông thả, coi thường các giá trị đạo đức, lối sống đẹp. Các em cũng không biết các thể hiện bản thân, thiếu định hướng trong cuộc sống… Nghiên cứu chỉ ra, nếu ở đâu học sinh gặp phải nhiều vấn đề thì kể cả vấn đề an ninh, an toàn trường học cũng bị đe dọa. Kết quả nghiên cứu của Viện Y – xã hội học phối hợp với tổ chức Plan thực hiện năm 2014 cho thấy, mức độ an toàn ở nhà trường được các em đánh giá rất thấp, chỉ 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cho rằng luôn an toàn trong khuôn viên trường học. 
GS.TS Anna Scheyett, Hiệu trưởng Trường CTXH, ĐH South Carolina, Hoa Kỳ: 
Sự thành công của trẻ có thể làm thay đổi tương lai của Việt Nam. Trẻ không chỉ cần sách vở và giáo viên, trẻ cần môi trường an toàn, giúp trẻ những điều trẻ cần để trở thành một học sinh thành công. Nhân viên CTXH có nền tảng chính thức, có khả năng cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ cần thiết và nghề CTXH trường học có thể làm được điều đó.
Thiếu vắng vai trò của Công tác xã hội trường học
Vinh, cậu bé 13 tuổi mới chuyển đến trường mới (ở quận Tân Bình, TP.HCM). Cậu tỏ ra khó gần, hay cáu kỉnh và thậm chí đánh bạn khi bị trêu chọc. Không những thế, Vinh còn tập tành hút thuốc lá và lôi kéo các bạn trai gây ra một số hành vi không được phép làm trong trường. Cô giáo chủ nhiệm tỏ ra rất khó chịu với cậu trò nhỏ này. Vì quá bận rộn và có thể vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn, khả năng, giáo viên chủ nhiệm nhiều lần “xin trả” lại học sinh mới cho trường.
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhân viên CTXH tìm được câu trả lời cho những hành vi “nổi loạn” của Vinh. Anh trai Vinh mới mất trong một tai nạn, gia đình vừa trải qua khủng hoảng về tinh thần, công việc của bố cũng đang gặp khó khăn. Vì thế, bố mẹ em chìm đắm trong sự cãi cọ, giận dữ, đổ tội cho nhau. Không ai quan tâm đến Vinh, họ cũng không biết rằng, sự ứng xử của mình đang khiến con học theo và áp dụng với các bạn. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ và tấm lòng của mình, nhân viên CTXH đã làm việc với Vinh, với GVCN và gia đình em, tư vấn, hòa giải, huy động, kết nối các nguồn lực, phối hợp nhằm giúp Vinh giải quyết vấn đề tâm lý em đang gặp phải để nâng cao năng lực học tập.
Không phải học sinh nào cũng may mắn như Vinh, được tiếp cận với nhân viên CTXH trường học, sớm nhận ra sai lầm, sửa chữa và được giúp đỡ. Hầu hết học sinh, khi gặp phải những vấn đề khó khăn đã tự mình tìm các biện pháp hiệu quả thấp như “im lặng, không phản ứng” để được yên thân, nhất là liên quan tới vấn đề bạo lực học đường. Các em cũng có thể nhờ bạn bè trong lớp, trong trường hoặc ngoài trường/ lớp giúp đỡ, và đây là cách thức có thể để lại hậu quả rất đáng tiếc nếu không có sự kiểm soát, phát hiện của trường. Cách thức được coi là hiệu quả, chuyên nghiệp là “tìm đến nhân viên tư vấn tâm lý nhờ trợ giúp” thì tỷ lệ học sinh tìm đến rất thấp, chỉ 12,9%, do hiện nay nhiều trường chưa có tư vấn, tham vấn.
TS Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch hội các trường đào tạo CTXH Việt Nam cho biết, hiện nay, TP.HCM đã xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH trường học, bước đầu thực hiện ở 1/3 số trường phổ thông và tiểu học. Ông Hữu hi vọng, mô hình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và mở ra ở các trường bậc trung cấp, cao đẳng và đại học.
Ông Bùi Văn Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản, triển khai nhiều chương trình như phát động phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống dành cho học sinh. Tuy nhiên, để có một giải pháp hữu hiệu đối với các “vấn đề” của học sinh hiện nay, ông Vinh khẳng định: Từ kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được của một số quốc gia trên thế giới, chúng tôi nhận thấy, nếu xây dựng được một hệ thống các dịch vụ CTXH trong các trường tại Việt Nam và phát triển được đội ngũ nhân viên CTXH học đường có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì các vấn đề nêu trên sẽ cơ bản được giải quyết.
Công tác xã hội trường học với bảo vệ trẻ em: 
-Phòng ngừa: Thực hiện những hoạt động truyền thông, tư vấn, giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh nhận biết và phòng ngừa các hình thức xâm hại, học lột,và/hay xao nhãng trẻ em.
-Can thiệp sớm: Thực hiện những hoạt động hỗ trợ nhóm học sinh có nguy cơ và cha mẹ có được kỹ năng tự bảo vệ khỏi bị xâm hại, bóc lột và/hay xao nhãng.
-Hỗ trợ và phục hồi: Thực hiện những hoạt động hỗ trợ và phục hồi để giải quyết những ảnh hưởng của vấn đề đối với nhóm học sinh bị tổn thương.
Nguồn: giadinhvatreem.vn

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC