Giai đoạn dậy thì, trẻ có ý thức về bản thân rõ nét nhất và đây cũng là thời điểm hình thành nhân cách. Trẻ thường tỏ ra chống đối (bằng cách cãi lại trước sự quan tâm mang tính áp đặt của cha mẹ. Hành vi cãi lại bố mẹ của trẻ có phải là hỗn hào và vi phạm đạo đức nghiêm trọng? Cha mẹ cần phản ứng như thế nào?
Phạt trẻ và bắt xin lỗi nếu cãi lại người lớn. Ảnh: KT
Nguyên nhân khiến trẻ cãi bố mẹ
Chị Hương ở Liễu Giai (Hà Nội) thường phàn nàn với tôi về cô con gái đang ngoan, hiền dễ thương, luôn vâng lời cha mẹ, nhưng khi tròn 12 tuổi, bỗng nhiên con đổi tính nết, thường cãi lại bất cứ điều gì cha mẹ muốn nó làm. Ngày hè, đi chơi, chị bảo nó mặc áo chống nắng bảo vệ da, thì nó mặc áo cộc. Khi chị mắng nó, nó lí sự: “Tây họ muốn rám nắng chẳng được, đằng này mẹ suốt ngày chỉ che với đậy”. Chị muốn con vào đội tuyển tiếng Anh, con bé bảo không thích học kiểu ép xác nên không vào. Chị nói con không thức khuya, nó vẫn chong đèn thức tới 1 giờ sáng. Khi chị sang phòng con nhắc nhở, thì thấy nó treo một tấm bìa cát tông viết: “Người trong này đang rất bận, đừng làm phiền”… Và còn nhiều lần nó cãi, không nghe lời mẹ khiến chị rất buồn. “Nhiều lúc tưởng mình phát điên về những gì con bé gây ra” – Chị than thở.
Thông thường, cha mẹ luôn mong muốn có một đứa con thông minh, khỏe mạnh, thành công trong cuộc sống. Chính vì thế, nhiều phụ huynh đã vô tình đặt lên vai trẻ quá nhiều kỳ vọng, nhất là đối với một số người chưa hay không thành đạt trong cuộc sống. Dù điều này có chính đáng hay không, nếu cha mẹ không biết xây dựng những kỳ vọng đó trên tinh thần tôn trọng sự phát triển cá nhân của trẻ, thì sẽ gặp phải sự chống đối từ chúng. Theo các nhà tâm lí, sự chống đối này có thể chia thành hai thái độ: trẻ cãi lại tức khắc các yêu cầu, tỏ ra lì lợm, không chịu thi hành các mệnh lệnh của cha mẹ, bỏ đi, hoặc trẻ sẽ im lặng, làm cho xong với tâm trạng chán nản, thất vọng.
Khi một đứa trẻ thỉnh thoảng cãi lại cha mẹ thì đó là điều bình thường, thậm chí còn tốt hơn một trẻ không bao giờ dám cãi lại bất cứ điều gì. Nhưng phụ huynh cũng không nên tự hào, mà cần phải xem lại sự phát triển và những mối quan hệ của trẻ có gì bất thường hay không? Còn với một trẻ luôn luôn tỏ ra chống đối, phản ứng lại bất cứ yêu cầu gì của bố mẹ, thì chúng ta cần phải xem xét lại.
Giải pháp nào là hữu hiệu
* Cần xem lại mình: Việc đầu tiên cha mẹ phải làm là tìm hiểu cá tính cũng như khả năng của trẻ và xem xét lại những kỳ vọng của mình có hợp lý không. Không thể vì sự mặc cảm mình yếu kém về học vấn và tri thức, mà đặt mọi yêu cầu, bắt con phải đạt được những gì mình chưa có. Hãy nhớ rằng, điều mà con cái cần ở cha mẹ là sự quan tâm, chăm sóc, tôn trọng và cộng tác chứ không phải là bằng cấp, vị trí trong xã hội hay khả năng thu nhập của cha mẹ. Giáo dục con không phải là việc bắt buộc trẻ tuân theo những nguyên tắc, luật lệ do mình đặt ra, vì điều đó chỉ tạo ra những con người yếu ớt, lệ thuộc và thụ động. Quan trọng là trẻ cần phải được biết những khuôn khổ rõ ràng, cái gì trẻ được phép làm, điều gì có thể làm và điều gì không thể làm. Và khi đã đặt ra những khuôn khổ thì chính phụ huynh phải là người chấp nhận những yêu cầu đó trước.
* Hành động kiên quyết: Nếu con bạn đã “phát triển” thói quen cãi lại càng ngày càng trầm trọng, thì bạn cần hành động kiên quyết để dừng hành vi đó và không cho phép trẻ cãi lại. Ngay lập tức bạn hãy ngừng nói chuyện và bỏ ra khỏi phòng, hoặc đứng xa trẻ. Khi trẻ đi theo, bạn hãy tuyên bố: “Cha mẹ không chấp nhận hành vi thiếu tôn trọng người lớn của con”, hay “Mẹ không cho phép con cãi lại bằng những thứ ngôn ngữ đó, con phải xin lỗi”, rồi phớt lờ trẻ. Khi bạn đã bình tĩnh, bạn phải nói chuyện với con và tuyên bố rằng bạn không khoan dung cho việc cãi lại nữa, rồi đưa ra một chuỗi các hậu quả sẽ xảy ra với trẻ, nếu trẻ tiếp tục cãi cha mẹ vào lần tới. Ví dụ: Tước đi một đặc quyền nào đó của trẻ như: sử dụng điện thoại, xem phim, đi chơi… Hoặc có thể bắt trẻ phải làm thêm một việc nhà do bạn giao cho chúng.
Câu nói tốt nhất sử dụng trong trường hợp này là: “Khi con cãi bố mẹ, con sẽ mất đi đặc quyền sử dụng điện thoại trong ngày. Nếu vẫn tiếp tục, con sẽ không được xem tivi vào buổi tối. Lặp lại lần thứ ba…”. Sau đó, bạn cần nghiêm khắc theo dõi đến cùng những gì bạn đã nói với trẻ và đừng bao giờ cho phép trẻ cãi lại bằng cách tranh luận vấn đề đó. Cha mẹ cũng có thể bỏ qua vài lỗi nhỏ của trẻ, không nên có thái độ trợn mắt hay thở dài sườn sượt để phản đối. Nhưng khi trẻ còn cãi tiếp, cha mẹ cần xử lí một cách bình tĩnh và uy quyền để giáo dục trẻ.
* Không đôi co với con: Nếu khi con cãi lại, cha mẹ “ăn miếng trả miếng” từng lời với con là điều rất sai lầm. Bởi một lời nói “quá đà” sẽ làm trẻ tổn thương rất mạnh. Cha mẹ không nên đôi co, song cứng rắn là cần thiết. Có phụ huynh đưa ra kinh nghiệm của mình: “Khi con tôi ăn nói đáng bị phạt, tôi tịch thu ngay lập tức computer, video games và cấm luôn tivi, hiệu quả tức thì. Bọn trẻ sẽ nể và sợ tôi, lần sau không dám cãi lại nữa”.
Nên biết rằng, trẻ rất thông minh, cho dù bạn trừng trị con nghiêm khắc, chúng vẫn hiểu cha mẹ thương yêu chúng hết lòng và sự “tàn bạo trong giây lát” chỉ là mong cho chúng nên người sau này. Vấn đề là đừng buông trôi trong giáo dục con cái. Tóm lại, cha mẹ phải giúp con từ một đứa bé thành một người trưởng thành, tự lập, tự trọng và dám nhận trách nhiệm về những công việc mình làm.
Nguồn: giadinhvatreem.vn